TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC LẦN THỨ NHẤT NGHIÊN CỨU SỨC KHỎE SINH SẢN VÀ SỨC KHỎE TÌNH DỤC

Sáng ngày 12/12/2012 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Toàn quốc lần thứ I về nghiên cứu sức khỏe sinh sản (SKSS)/sức khỏe tình dục (SKTD) do Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức. Tham dự hội nghị có PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ Trưởng Bộ Y tế; TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế); TS. Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế); bà Mandeep K. O'Brien, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam; GS.TS Lê Vũ Anh, Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC; Tiến sỹ Gugao Wu, đại diện cho Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách đến từ các Trường Đại học, các Bệnh viện, Viện nghiên cứu, các cơ quan ở Trung ương và các địa phương trong cả nước, các tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế.

 

PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ Trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho biết, thời gian tới Bộ Y tế sẽ tăng cường nghiên cứu khoa học, phổ biến và ứng dụng các kết quả nghiên cứu các tiến bộ khoa học, công nghệ góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vấn đề đối với công tác Dân số và Chăm sóc sức khỏe sinh sản như: duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm chênh lệch tỷ suất giới tính khi sinh, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ phá thai và, tăng cường chăm sóc SKSS cho VTN/TN, người cao tuổi và cho các nhóm dân tộc đặc thù (nhiễm HIV, dân tộc thiểu số).

Số liệu của Bộ Y tế và các điều tra dân số khác cho thấy Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong việc lồng ghép kế hoạch hóa gia đình vào dịch vụ y tế, đồng thời củng cố các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, một số nhóm dân số như vị thành niên, thanh niên và những người chưa kết hôn, di cư, dân tộc thiểu số và người cao tuổi còn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thông tin và dịch vực chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản. Chính vì điều đó nên số trường hợp có thai ngoài ý muốn vẫn tăng đáng kể, dẫn tới tỷ lệ nạo phá thai cao, đặc biệt trong nhóm thanh niên và người chưa kết hôn.

 

Chủ tịch đoàn điều hành phiên tổng thể của Hội nghị

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp tử vong mẹ xảy ra tại các vùng dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, các lây nhiễm qua đường tình dục (bao gồm HIV) tiếp tục là một trở ngại. Điều này cho thấy chúng ta cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để có thể giải quyết những thách thức này.

Tại hội nghị, đã có 32 bài báo cáo chia thành 7 chủ đề chính, là những lĩnh vực ưu tiên trong sức khỏe sinh sản như kế hoạch hóa gia đình-vô sinh, làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh, sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục vị thành niên và thanh niên, sức khỏe sinh sản ở nhóm dễ bị tổn thương (người có HIV) và ung thư sinh dục.

Các bài trình bày tại hội nghị cho thấy toàn cảnh của các nghiên cứu trong lĩnh vực SKSS/SKTD thực hiện trong giai đoạn 2006-2010 ở Việt Nam, thực trạng và những thách thức đối với công tác CSSKSS ở Việt Nam, định hướng thực hiện chiến lược DS-SKSS ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Hội nghị  cũng được nghe bài trình bày của các chuyên gia quốc tế về các vấn đề SKSS/SKTD ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và định hướng nghiên cứu trong tương lai.

 

Đại biểu chăm chú theo dõi các Poster trưng bày trong Hội nghị

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Bà Mandeep K. O'Brien, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với số lượng thanh niên lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Chính vì vậy, cần có thêm nhiều nghiên cứu về sức khỏe tình dục và sinh sản của thanh niên để có thể cung cấp bằng chứng chính xác giúp xây dựng chương trình và chính sách đáp ứng được nhu cầu thực sự về sức khỏe tình dục và sinh sản của thanh niên. Bà O'Brien cũng nói thêm, nghiên cứu đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định các vấn đề cấp bách, chẳng hạn như đối với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh thì các nghiên cứu định tính và định lượng đã giúp định hướng xây dựng các chương trình can thiệp phù hợp để giải quyết vấn đề này.

Kết quả hội nghị sẽ được sử dụng cho việc định hướng các nghiên cứu tới đây về lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục ở Việt Nam, góp phần đạt được tiếp cận phổ cập chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản vào năm 2015.

Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế, Trường ĐHYTCC và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đảm bảo thành tựu và tính bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản ở Việt Nam trong thời gian tới.

(BT)

Share