TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Lễ công bố quyết định công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2009

    Trong không khí tưng bừng của ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng ngày 20/11/2009, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Hội đồng chức danh nhà nước đã tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận và trao giấy chứng nhận chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) cho 65 GS và 641 PGS năm 2009. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những phấn đấu nỗ lực, những thành công của các GS và PGS.

 

    Trong đợt xét năm nay có 1167 hồ sơ , trong đó có 164 hồ sơ xin xét chức danh Giáo sư và 1003 hồ sơ xin xét chức danh PGS; Qua đợt xét ở 85 Hội đồng chức danh cơ sở (có 116 ứng viên GS và 762 ứng viên PGS đạt đủ số phiếu tín nhiệm như quy định) và 27 Hội đồng chức danh ngành, liên ngành (có 70 ứng viên GS và 650 ứng viên PGS đạt đủ số phiếu tín nhiệm như quy định). Hội đồng chức danh GS nhà nước đã họp xét, bỏ phiếu tín nhiệm, công nhận 65 nhà giáo, nhà nghiên cứu đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 641 nhà giáo, nhà nghiên cứu đạt danh hiệu PGS.

 

    Số Giáo sư được công nhận năm nay tập trung nhiều nhất  ở chuyên ngành Y học (16 người). Trong đợt trao tặng danh hiệu GS, PGS năm nay, trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) vinh dự có 1 Nhà giáo đạt danh hiệu GS, đó là GS.TS Lê Vũ Anh - Hiệu trưởng và 2 Nhà giáo đạt danh hiệu PGS, đó là PGS.TS Bùi Thị Thu Hà – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Lê Cự Linh – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học. Đội ngũ GS, PGS mới được phong này bổ sung thêm vào đội ngũ GS, PGS của trường, nâng tổng số lên 1 Giáo sư và 6 PGS. Đây là mốc son ghi nhận những thành quả đóng góp, xây dựng của các thầy, cô trong suốt thời gian qua cho  hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo cũng như các hoạt động khác của Nhà trường. Điều đặc biệt hơn cả, thầy Hiệu trưởng là GS đầu tiên của Trường (từ trước tới nay Trường mới chỉ có PGS); TS Hà và TS Linh là những PGS gần như trẻ nhất trong ngành Y được công nhận PGS đợt này. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Trường ĐHYTCC đã thành lập Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở Trường ĐHYTCC.  Hội đồng đã tiến hành lập kế hoạch thực hiện và triển khai công tác xét đề nghị công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư theo đúng quy trình, quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

 

    Và ngay từ lần đầu tiên này, Trường đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tất cả 8 ứng viên nộp hồ sơ (trong đó có gồm 2 ứng viên GS, 6 ứng viên PGS) đều đạt, không có ứng viên nào  bị loại bởi Hội đồng cấp cao hơn (Cấp ngành/Liên ngành). Đây là một niềm vinh dự rất lớn không chỉ của cá nhân các GS, PGS mà còn là niềm vinh dự, tự hào của tập thể Trường ĐHYTCC. Để có được thành quả như ngày hôm nay, các thầy giáo, cô giáo đã phải trải qua quá trình khó khăn với những tìm tòi, sáng tạo, những đột phá, dấn thân trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sự nghiệp trồng người.

 

    Trường ĐHYTCC được thành lập từ năm 2001 trên cơ sở trường Cán bộ quản lý y tế. Cho đến nay sau gần 10 năm thành lập, mặc dù thời gian chưa nhiều so với một ngôi trường Đại học nhưng những đóng góp của nhà trường đối với ngành Y tế công cộng của Việt Nam đã mang lại những bước tiến mới.  Lãnh đạo, cán bộ viên chức lao động và sinh viên Trường ĐHYTCC đã nỗ lực hết mình, từng bước khẳng định vị thế vững chắc của một trường đại học với những đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển của ngành Y tế công cộng, vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế công cộng chất lượng cao cho cả nước. Với chương trình đào tào đa dạng: Cử nhân YTCC, Thạc sĩ YTCC, Tiến sĩ YTCC, Thạc sĩ Quản lý bệnh viện và Chuyên khoa I YTCC, Trường ĐHYTCC đã và đang đáp ứng nhu cầu giảng dạy, đào tạo đội ngũ cán bộ YTCC cho cả nước. Bắt đầu với một số lượng rất khiêm tốn giảng viên cơ hữu, đến nay Trường đã có khoảng hơn 100 giảng viên, trong đó có 1 Giáo sư,  6 Phó giáo sư, 10 Tiến sĩ, 45 Thạc sĩ, phần lớn Tiến sĩ, Thạc sĩ được đào tạo tại những trường đại học hàng đầu trên thế giới. Từ những công trình nghiên cứu khoa học chỉ trong phạm vi nhỏ, Trường đã tiến hành những nghiên cứu lớn trên phạm vi toàn quốc; đặc biệt là những nghiên cứu được coi là có quy mô lớn nhất thế giới tại thời điểm đó như nghiên cứu điều tra tình hình chấn thương tại Việt Nam năm 2001. Kết quả này đã đưa Nhà trường trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực y tế công cộng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, do hiểu được tầm quan trọng của việc phát triển toàn bộ hệ thống YTCC, Trường đã có nhiều đóng góp, giữ vai trò nền tảng trong việc thành lập và vận hành hệ thống Hội YTCC Việt Nam.  


 






(Biên Thùy)

Share