TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Hội thảo Giới thiệu các phương pháp và mô hình can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt trong cộng đồng

       Ngày 27/04/2019, tại Trường Đại học Y tế công cộng, Đơn vị can thiệp sớm và giáo dục, Bộ môn công tác xã hội tổ chức hội thảo với chủ đề “Giới thiệu các phương pháp và mô hình can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt trong cộng đồng”. Hội thảo thu hút gần 100 đại biểu là các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Y tế công cộng; các đơn vị, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực can thiệp trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam; các bậc phụ huynh và giáo viên đến từ các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn Hà Nội.

(Ảnh: Đại biểu tham dự Hội thảo)

      GS. TS. Bùi Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng đã phát biểu khai mạc và nêu rõ tính cấp thiết của việc chia sẻ mô hình và phương pháp can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt trong cộng đồng. Tiếp theo đó, TS. Phạm Tiến Nam – Trưởng Bộ môn CTXH “Giới thiệu về Đơn vị Can thiệp sớm – giáo dục” bắt đầu với bài giới thiệu tổng quan về cơ sở vật chất, triết lý giáo dục, môi trường và đội ngũ làm việc, đối tượng và các chương trình can thiệp tại Đơn vị can thiệp sớm và giáo dục, Bộ môn công tác xã hội. Th.S CV ANTL Hoàng Văn Quyên – Bệnh viện Nhi đồng 1 (Tp. HCM), giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - Báo cáo “Trẻ tự kỷ - chiến lược can thiệp hỗ trợ của Úc có bằng chứng khoa học” đã mang đến cái nhìn toàn diện về các chiến lược mô hình và kỹ thuật can thiệp hỗ trợ cho trẻ em tự kỷ. Bên cạnh đó, đại diên bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (Hà Nội) - CV ANTL Ngô Hoài Nhung với bài báo cáo “Vai trò của âm ngữ trị liệu trong can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt” khẳng định tính chất quan trọng của âm ngữ trị liệu trong can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng. Cuối cùng, với bài báo cáo “Các phương pháp can thiệp có bằng chứng khoa học”, Ths. Hồ Thị Huyền Thương nhấn mạnh yếu tố quyết định sự thành công khi can thiệp với trẻ tự kỷ là các phương pháp can thiệp có bằng chứng khoa học thông qua hình ảnh, videoclip đã và đang được can thiệp tại trung tâm can thiệp.

(Ảnh: GS. TS Bùi Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng phát biểu khai mạc hội thảo)

       Sau khi nghe những chia sẻ và trình bày của các báo cáo viên, những vấn đề khó khăn trong quá trình chăm sóc trẻ tự kỷ của các bậc phụ huynh cũng đã được thảo luận sôi nổi. Tất cả đại biểu tham dự hội thảo mong đợi sau hội thảo sẽ có nhiều hơn chương trình hành động, hoạt động cụ thể trong việc phát triển các phương pháp và mô hình can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt nói chung và trẻ em tự kỷ nói riêng trong cộng đồng. Đặc biệt, các đại biểu và phụ huynh cũng đã dành thời gian để tham quan mô hình  của Đơn vị can thiệp sớm và giáo dục của Nhà trường. Thông qua hoạt động này, các đại biểu và phụ huynh đã tìm hiểu về các dịch vụ đang được cung cấp tại đây như: khám sàng lọc, tư vấn, lập kế hoạch, can thiệp cá nhân, can thiệp nhóm theo giờ và theo hình thức bán trú.

(Ảnh: Các báo cáo viên có bài trình bình tại hội thảo)