TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

 HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Hội thảo “Tư vấn về Hệ thống nghiên cứu sức khỏe”

Mục tiêu của Hội thảo nhằm đưa ra chiến lược hành động trong tương lai để phát triển hệ thống nghiên cứu sức khoẻ quốc gia.Từ năm 2006, Bộ Y tế và Trường Đại học Y tế công cộng là đối tác chính, tham gia vào quá trình phân tích hệ thống nghiên cứu sức khoẻ với tư cách là thành viên của Hiệp hội các quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương (thuộc Chương trình nâng cao năng lực hệ thống nghiên cứu sức khoẻ các nước khu vực Tây Thái Bình Dương - Tổ chức Y tế Thế giới). Đây là nghiên cứu nhằm cung cấp các thông tin tổng thể và các hoạt động của hệ thống nghiên cứu sức khoẻ Việt Nam, cải thiện và nâng cao vai trò của nghiên cứu trong việc hoạch định chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sau 2 năm thực hiện quá trình đánh giá hệ thống nghiên cứu sức khoẻ tại các quốc gia và Việt Nam, WHO tại khu vực Tây Thái Bình Dương đã phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam, Trường đại học Y tế Công cộng tổ chức Hội thaỏ “ Tư vấn về hệ thống nghiên cứu sức khoẻ ”. Mục tiêu quan trọng nhất của Hội thảo là xây dựng kế hoạch chiến lược cho việc phát triển hệ thống nghiên cứu sức khoẻ ở các quốc gia trong khu vực, để tìm được tiếng nói chung trong quá trình hội nhập, kết nối và hợp tác giữa các hệ thống nghiên cứu sức khoẻ nói chung và hệ thống y tế nói riêng. Đây cũng là mục tiêu lớn của WHO hướng đến sức khoẻ của mọi người dân trên thế giới.

Hệ thống y tế Việt Nam cũng như hệ thống y tế các quốc gia trên thế giới đều có một mục đích là chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho tất cả mọi người. Để đạt được mục tiêu này, các nghiên cứu về sức khỏe đóng vai trò quan trọng vì chính từ các nghiên cứu này các nhà hoạch định chính sách y tế sẽ có cơ sở để định hướng cho hệ thống y tế. Nhận rõ được vai trò của hệ thống nghiên cứu sức khoẻ, WHO đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo quốc tế và khu vực và đã đề xuất Chương trình hành động cho Nghiên cứu sức khỏe. Mục đích của Chương trình này nhằm hướng dẫn cho các quốc gia thành viên của WHO trong khu vực Tây Thái Bình Dương xây dựng những kế hoạch, chiến lược và phân bổ các nguồn lực để tăng cường khả năng nghiên cứu sức khoẻ của quốc gia mình và chia sẻ kinh nghiệm cho các quốc gia khác trong khu vực.

Một số nước đã tham gia vào nghiên cứu thử nghiệm đánh giá hệ thống nghiên cứu như Australia, New Zealand, Malaysia, Lào… Các nước này sau khi đánh giá hệ thống nghiên cứu của nước mình đã tiến hành xây dựng kế hoạch chiến lược nhằm cải thiện hệ thống hệ nghiên cứu của quốc gia.

Ở Việt Nam hệ thống nghiên cứu cơ bản đã được hình thành, trong đó hệ thống nghiên cứu sức khoẻ được triển khai chủ yếu tại các đơn vị nghiên cứu và đào tạo liên quan đến sức khoẻ trực thuộc Bộ Y tế. Các đơn vị nghiên cứu trong ngành y tế và các ban ngành liên quan đã bước đầu có sự phối hợp nhằm cung cấp các thông tin mang tính toàn diện để đối phó với các vấn đề y tế công cộng mới nảy sinh như chấn thương, cúm gia cầm, dịch SARS….

Tại Hội thảo này, dưới sự hỗ trợ về kỹ thuật của WHO, các diễn giả, đại diện Bộ Y tế Việt Nam cũng mong muốn xây dựng được một hệ thống nghiên cứu sức khoẻ vững chắc, đáp ứng được các yêu cầu khoa học và kỹ thuật ngày càng cao trong cộng đồng khoa học sức khoẻ thế giới dựa trên những kết quả phân tích từ những nghiên cứu này./.

 

HM.