TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Xây dựng nền văn hóa sở hữu trí tuệ

 

      Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày này đã vượt qua khỏi việc bảo hộ một cách đơn thuần các sáng tạo trí tuệ, trở thành một lĩnh vực vô cùng năng động, đã và đang tác động tới mọi mặt của đời sống văn hóa và xã hội. Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu nói chung cũng như các trường đại học, cao đẳng nói riêng cũng không nằm ngoài sự tác động trực tiếp của hệ thống đó.

      Nắm bắt được nhu cầu đó, trung tuần tháng 8, trường ĐHYTCC đã tổ chức buổi tập huấn cho cán bộ, giảng viên nhà trường với sự giảng dạy của chuyên gia đến từ Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nhằm mục tiêu trang bị các khái niệm cơ bản về SHTT, đặc biệt là bản quyền, SHTT liên quan trực tiếp đến các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Tại buổi tập huấn, cán bộ, giảng viên nhà trường đã được chuyên gia giới thiệu nhiều nội dung thiết thực, có tính ứng dụng cao như: các quy định pháp luật về SHTT, một số nội dung về bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan trong trường đại học, đăng ký bảo hộ quyền tác giả…

IMG_2546.JPG

IMG_2550.JPG

Ảnh: Chuyên gia từ Bộ Khoa học & Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch
trình bày tại buổi tập huấn

      Hiện nay trên thế giới đã phát triển nhiều hệ thống pháp luật quốc tế quyền tác giả và các quyền liên quan. Việt Nam cũng là thành viên tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương, hiệp định song phương về lĩnh vực này như: Công ước Berne ngày 26/10/2004, Công ước Geneva ngày 06/07/2005, Hiệp định TRIPs ngày 11/01/2007, Hiệp định giữa Chính phủ CHXNCN Việt Nam và Chính phủ Liên bang Thụy Sỹ về bảo hộ SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT ngày 07/07/1999… Tại Việt Nam nhiều văn bản quản lý pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan đã được ban hành nhằm tạo ra khung pháp lý và tăng cường thực thi quyền này bao gồm: Bộ luật dân dự 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2005, luật xử lý vi phạm hành chính 2012, luật hải quan, và các luật có liên khác như xuất bản, báo chí, di sản văn hóa, điện ảnh, khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin…

      Đối với các trường đại học, những hành vi vi phạm quyển tác giả, luật SHTT phổ biến có thể kể đến việc mạo danh là tác giả hoặc đồng tác giả; công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữ quyền tác giả theo quy định; phân phối bản sao tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh mà không được cho phép của chủ sở hữu; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu theo quy định… Cũng trong chương trình của buổi tập huấn này, các chuyên gia đến từ Bộ Khoa học & Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và các cán bộ, giảng viên nhà trường đã cùng thảo luận và đề xuất một số giải pháp tăng cường thực thi luật SHTT trong trường đại học như tăng cường tuyên truyền về SHTT, xây dựng các chương trình đào tạo và sử dụng các công cụ phát hiện vi phạm bản quyền, quản lý hoạt động mạng máy tính nội bộ của trường, thành lập bộ phận chuyên trách và quy chế về sở hữu trí tuệ trong trường ĐHYTCC.

(TH)

Share