TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Tổng kết dự án Tổ chức phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam

Chiều ngày 30/10/2017, tại Trường Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án Tổ chức phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam nhằm chia sẻ kết quả đã đạt được của dự án trong giai đoạn 2014 – 2016. Hội nghị cũng đã triển khai Kế hoạch của ngành y tế thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2017-2020. 

Ảnh: GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, đại diện các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Phục hồi chức năng (PHCN) Việt Nam và một số Hội có liên quan, Các tổ chức Quốc tế, BQLDA các tỉnh triển khai dự án; đại diện lãnh đạo các cấp Ủy Đảng của Sở Y tế 63 tỉnh thành và một số cơ sở PHCN.

Ảnh: PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phát biểu tại Hội nghị

Trong bài trình bày tại Hội nghị, Ban quản lý dự án Tổ chức phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (BQLDA) cho thấy những đóng góp của dự án cũng như ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nạn nhân da cam (NN) và người khuyết tật (NKT) tại cộng đồng trong thời gian qua. Dự án đã xây dựng và duy trì được mạng lưới 1.158 cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ) tại 13 huyện thuộc 6 tỉnh: Lào Cai, Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai và Bến Tre; phát hiện khuyết tật và đánh giá nhu cầu PHCN cho 22.694 NKT. Đã có 13.169 NKT (trong đó có nạn nhân da cam) được cộng tác viên đánh giá nhu cầu PHCN, lập kế hoạch và hướng dẫn PHCN tại nhà, tư vấn và chuyển giao kiến thức cho NN/NKT và thành viên gia đình NN/NKT, cũng như hướng dẫn gia đình chế tạo những dụng cụ trợ giúp tự tạo như nạng, gậy, thanh song song, ròng rọc, v.v... phù hợp để hỗ trợ quá trình tập luyện PHCN tại nhà của NN/NKT. Khoảng 1.900 NN/NKT có tiến bộ trong tập luyện PHCN/hoà nhập xã hội, sức khoẻ được cải thiện. Thông qua bài trình bày, vai trò của gia đình và xã hội trong công cuộc chăm sóc sức khỏe nạn nhân và người khuyết tật tại cộng đồng cũng được nhấn mạnh. Bài trình bày tại hội nghị cho thấy sự nỗ lực của các địa phương trong công tác duy trì mạng lưới cộng tác viên PHCN tại cộng đồng và huy động các ban ngành đoàn thể cùng tham gia chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Ảnh: PGS.TS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án báo cáo kết quả dự án giai đoạn 2014 - 2016

Ảnh: GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế trao bằng khen của Bộ Y tế cho các đơn vị 

Ảnh: Các đại biểu tham dự tại Hội nghị

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu đã được nghe bài trình bày của đại diện Bộ Y tế về Kế hoạch triển khai hoạt động của ngành y tế thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, các địa phương cũng kiến nghị Ngành y tế tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và PHCN cho NN/NKT nhằm tạo được thành quả bền vững và tăng cường đào tạo cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về chuyên môn kỹ thuật PHCN để chăm sóc, hỗ trợ NKT.

Ảnh: Đoàn Chủ tịch điều hành thảo luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, những kết quả đạt được của dự án đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các Bộ/ngành trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NN/NKT; đồng thời thể hiện công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người có công với cách mạng, những người đã tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học/da cam dioxin và con cháu của họ. Thứ trưởng cũng chỉ đạo cần tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi dự án nhằm cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nạn nhân và người khuyết tật, giúp nạn nhân và người khuyết tật hoà nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe.

Ảnh: Đại biểu phát biểu ý kiến tthaor luận tại Hội nghị

 Bế mạc hội nghị, Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng, một số đơn vị trực thuộc Bộ và Lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh cùng các Hội, Ban ngành cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam nói riêng và người khuyết tật nói chung.

 

Share