TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Hội thảo chia sẻ kết quả đề tài KHCN quốc gia “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, phương pháp chẩn đoán và can thiệp sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em tại cộng đồng”

Ngày 20 tháng 9 năm 2019, Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương và Khoa Y- Đại học Quốc Gia Hà Nội đã tổ chức hội thảo chia sẻ, công bố kết quả đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “ Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, phương pháp chẩn đoán  và can thiệp sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em tại cộng đồng”- chủ nhiệm đề tài: GS.TS. Bùi Thị Thu Hà, đơn vị chủ trì: Trường Đại học Y tế công cộng. Đề tài thực hiện trong 3 năm từ 10/2016 đến tháng 9/2019.

ThS. Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế phát biểu khai mạc hội thảo

Đến dự hội thảo có ThS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế; GS. TS. Nguyễn Công Khẩn- Phó chủ tịch Hội đồng đạo đức Bộ Y tế; Đại diện Sở Y tế của 7 tỉnh thành nghiên cứu được tiến hành:  Hòa Bình, Thái Bình,Hà Nội, Quảng Nam, Đắc Lắc, Đồng Nai, Đồng Tháp; các nhà nghiên cứu quan tâm đến chủ đề  tự kỷ ở trẻ em;  và thành viên nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Nhi Trung Ương và Khoa Y- Đai học Quốc Gia Hà Nội.

GS.TS. Bùi Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Đại học Y tế công cộng, Chủ nhiệm đề tài

Điểm nhấn mạnh của đề tài so với các đề tài về tự kỷ khác đó là đề tài đã xây dựng và đề xuất mô hình quản lý trẻ có rối loạn tự kỷ ở trẻ em tại cộng đồng, trong đó có mô hình về tổ chức được thiết lập; năng lực chẩn đoán sớm và can thiệp sớm về tự kỷ được nâng cao cho hệ thống cán bộ y tế từ TW tới địa phương; Bộ tài liệu về chuyên môn về phát hiện sớm, can thiệp sớm cho các tuyến được xây dựng; Hệ thống giám sát, biểu mẫu và quy trình được thiết lập; nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng về tự kỷ được nâng cao qua đó sẽ tăng cường năng lực phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ mắc rối loạn tự kỷ, hạn chế mức độ khuyết tật của những trẻ này, giúp trẻ được tham gia học tập, vui chơi và hòa nhập xã hội. Điều này sẽ giúp cho trẻ sẽ độc lập hơn khi trưởng thành, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đồng thời toàn xã hội nhận thức được trách nhiệm của mình trong phòng ngừa khuyết tật và giúp trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội.

Đại diện Sở Y tế tại các tỉnh thành tham gia thực hiện nghiên cứu

Tại Hội thảo, các kết quả và sản phẩm của đề tài được đại diện các nhánh nghiên cứu lần lượt trình bày.  Báo cáo về Thực trạng rối loạn tự kỷ ở trẻ em tại cộng đồng và các yếu tố liên quan được ThS. Lê Thi Vui- đại diện nhóm nghiên cứu trình bày và thu hút sự chú ý của toàn thể đại biểu. Báo cáo nêu kết quả về tỷ lệ trẻ em có rối loạn tự kỷ hiện nay từ kết quả điều tra dịch tễ học 42.000 trẻ em trên 7 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc.

PGS.TS. Phạm Trung Kiên, khoa Y Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại hội thảo

Bên cạnh đó, Quy trình chẩn đoán sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em được PGS.TS. Phạm Trung Kiên- đại diện Khoa Y Đại học Quốc Gia Hà Nội và Quy trình can thiệp sớm rối loạn tự kỷ được ThS. BSCKII. Thành Ngọc Minh - đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương trình bày.  Hai quy trình này đều được xây dựng bởi các chuyên gia đầu ngành về sức khỏe tâm thần nói chung và tự kỷ nói riêng và đã được Hiệu trưởng Trường Đại học  Y tế công cộng ký quyết định ban hành.

Sau 3 năm triển khai Đề tài nghiên cứu đã có những đóng góp mới giúp tăng cường công tác chẩn đoán sớm, can thiệp sớm cho trẻ em có rối loạn tự kỷ trong cộng đồng, một vấn đề sức khoẻ y tế công cộng cần được các ban ngành liên quan và cộng đồng quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

 

 

 

Share