TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Hội thảo khoa học " Thích ứng với Biến đổi khí hậu"

Từ ngày 22-23/12/2020, tại Trường Đại học Y tế công cộng đã chính thức diễn ra Hội thảo khoa học “Thích ứng với Biến đổi khí hậu”- Hội thảo  là một hoạt động trong khuôn khổ hợp tác với Trường Đại học Queen's University Belfast, UK để đồng triển khai Dự án “Tăng cường khả năng thích ứng Y tế công cộng tại Việt Nam: xây dựng mô hình cảnh báo sớm sử dụng Trí tuệ Nhân tạo”.

Tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế; Bà Hoàng Vân Anh- Giám đốc Các chương trình Giáo dục và Xã hội- Hội đồng Anh tại Việt Nam; GS. Hoàng Văn Minh- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng. 

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế

Bà Hoàng Vân Anh- Giám đốc Các chương trình Giáo dục và Xã hội- Hội đồng Anh tại Việt Nam

GS. Hoàng Văn Minh- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng

Hội thảo thu hút được sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các Cơ quan nghiên cứu Y tế công cộng, Y học dự phòng, khoa học sức khỏe... và các phóng viên báo, đài tới tham dự, đưa tin. Đặc biệt, hội thảo vinh dự có sự tham gia trực tuyến của GS. Dương Quang Trung -Chủ tịch ngành Viễn thông Đại học Queen’s Belfast, Giám đốc Nghiên cứu của Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Vương quốc Anh; TS. Mai Thái Sơn, TS Antonino Masaracchia - Đại học Queen’s Belfast; TS. Phùng Trí Dũng – Đại học Griffith Australia. 

Trong ngày làm việc thứ nhất, Hội thảo đã được nghe sự chia sẻ và trao đổi tích cực các nội dung liên quan đến: Biến đổi khí hậu (BĐKH), đánh giá tác động của BĐKH, đánh giá tính dễ bị tổn thương với BĐKH, ứng dụng công nghệ 5G, AI, Big Data trong ứng phó với thiên tai thảm họa, các giải pháp thích ứng với BĐKH và tăng cường khả năng thích ứng Y tế công cộng: xây dựng mô hình cảnh báo sớm sử dụng Trí tuệ nhân tạo. 

GS Dương Quang Trung- Chủ tịch ngành Viễn thông Đại học Queen’s Bealfast- Giám đốc nghiên cứu của Viện hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Vương Quốc Anh
 

Trong ngày làm việc thứ hai, Hội thảo tiếp tục nhận được sự quan tâm tham gia và trao đổi về các nội dung chính như: Giới thiệu về ứng dụng của một số mô hình dự báo bệnh nhạy cảm với BĐKH: ARIMA, SARIMA; ứng dụng tối ưu theo thời gian thực và máy học vào mạng công nghiệp IoT 4.0 với sự chia sẻ của GS Dương Quang Trung- Chủ tịch ngành Viễn thông Đại học Queen’s Bealfast- Giám đốc nghiên cứu của Viện hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Vương Quốc Anh; TS Mai Thái Sơn, TS Antonino Masaracchia - Đại học Queen’s Bealfast, TS Nguyễn Đình Long- Đại học Đồng Nai.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu chia sẻ các kết quả nghiên cứu về tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành Y tế Việt Nam cũng như nhằm tăng cường kết nối các nhà nghiên cứu ở Anh quốc và Việt Nam cùng hợp tác liên ngành trong lĩnh vực Y tế công cộng và công nghệ thông tin truyền thông nhằm góp phần tăng cường năng lực thích ứng và chủ động ứng phó với một số bệnh nhạy cảm với biến đổi khí hậu.

Việt Nam có đường bờ biển dài, với hơn 2000 con sông với lớn nhỏ, 8 lưu vực sông với diện tích trên 10.000km2 và nguồn nước mặt dồi dào nên có mức phơi nhiễm cao với các yếu tố nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, ví dụ triều cường, bão lụt, hạn hán… Các đặc điểm địa lý và khí hậu khắc nghiệt đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, phát triển bền vững và cả hệ thống y tế. Kết quả đánh giá “Tính dễ bị tổn thương và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành y tế Việt Nam” do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng triển khai cho thấy: trong 20 năm qua các bệnh nhạy cảm với khí hậu như sốt xuất huyết dengue, sốt rét, tiêu chảy, cúm,… đều rất phổ biến ở Việt Nam. Trong 2 thập kỷ qua, trung bình mỗi năm ghi nhận 1.306.167 ca cúm và 80.938 ca sốt xuất huyết dengue. Các bệnh tiêu chảy vẫn xếp thứ 6 trong số các nguyên nhân chính gây ra số năm sống bị mất hiệu chỉnh theo bệnh tật (DALYs) và là nguyên nhân thứ 5 gây tử vong sớm ở Việt Nam. Theo báo cáo Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu, dự báo gánh nặng kinh tế và xã hội do các bệnh nhạy cảm với biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng, do thiếu cán bộ y tế được đào tạo để chủ động thích ứng, các chính sách chưa đầy đủ và các cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Để chủ động ứng phó với thách thức này, ngày 24/12/2018, Bộ Y tế đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến 2050.

Share