TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu đề tài do quỹ NAFOSTED tài trợ

Sáng ngày 24/11/2022, Hội thảo công bố kết quả đề tài “Giải quyết một vấn đề y tế công cộng còn chưa được nhận thức đúng mức ở Việt Nam: thử nghiệm ngẫu nhiên theo cụm có đối chứng chương trình Resourceful Adolescent Program (RAP-V) để nâng cao sức khỏe tâm trí vị thành niên” đã được tổ chức để chia sẻ kết quả tới các nhà nghiên cứu và các bên liên quan.

Đây là đề tài thuộc Chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực Y sinh giữa Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) và và Hội đồng nghiên cứu Y dược và sức khỏe Quốc gia – Úc (NHMRC), do Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Trường Đại học Monash, Đại học Công Nghệ Queensland, Úc triển khai từ năm 2019 đến năm 2022.

Tham dự Hội thảo có đại diện của Quỹ NAFOSTED, đại diện Vụ Sức khỏe Bà Mẹ và trẻ em, TS. Lã Thị Bưởi – cố vấn cao cấp của Trung tâm PPRAC và Phòng khám Ngọc Minh, GS.TS. Hoàng Văn Minh- Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, PGS.TS Nguyễn Thanh Hương- Giảng viên cao cấp, chủ nhiệm đề tài, cùng thành viên nhóm nghiên cứu. Ngoài ra hội thảo còn có sự tham gia của các giảng viên, nghiên cứu viên của Trường Đại học Y tế công cộng, đại diện Ban Giám hiệu và giáo viên các trường THPT trong chương trình can thiệp cũng như các đơn vị khác.

(Các đại biểu tham dự hội thảo)

(GS.TS. Hoàng Văn Minh- Hiệu trưởng, phát biểu khai mạc Hội thảo)

Sức khỏe tâm thần ở vị thành niên là một vấn đề y tế công cộng rất cần được quan tâm, nghiên cứu. Khoảng 25-31% vị thành niên toàn cầu có các vấn đề sức khỏe tâm thần (Silva và cs, 2020). Ở Việt nam có khoảng 8-29% trẻ em và vị thành niên có các vấn đề về sức khỏe tâm thần (UNICEF, 2016). Sau hơn 3 năm triển khai, mặc dù gặp không ít khó khăn do bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH YTCC với sự hỗ trợ kỹ thuật của các đối tác bên Úc và đặc biệt là sự chỉ đạo và phối hợp nhiệt tình và hiệu quả của Sở GD và ĐT Hà Nội và 8 trường THPT của thành phố Hà Nội, đã hoàn thành được các hoạt động của nghiên cứu. Cụ thể, đề tài đã hiệu chỉnh được 1 chương trình can thiệp (Happy House) phù hợp với học sinh Việt Nam, hoàn thành chương trình can thiệp tại 4 trường THPT và để lại ấn tượng rất tốt đẹp với học sinh, cha mẹ và giáo viên các trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả tích cực của can thiệp trong giảm trầm cảm, cải thiện sự khỏe mạnh về tâm lý và nâng cao sự tự chủ trong ứng phó với căng thẳng của học sinh; chương trình can thiệp Happy House đảm bảo chi phí hiệu quả. Kết quả nghiên cứu là bằng chứng để các nhà quản lý và nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu tiếp theo cũng như xây dựng và triển khai các chương trình can thiệp nâng cao sức khỏe tâm thần cho học sinh.

(PGS.TS. Nguyễn Thanh Hương- chủ nhiệm đề tài, giới thiệu về đề tài)

(NCS. Lã Linh Nga, giới thiệu về quá trình can thiệp)

(Đại biểu phát biểu, thảo luận về kết quả của nghiên cứu)

Nghiên cứu đã có các sản phẩm:

  • 05 bài báo trên các tạp chí quốc tế có bình duyệt
  • 05 báo cáo trình bày tại các hội nghị trong nước (trong đó có 1 báo cáo đạt giải Nhất HNKH tuổi trẻ cấp trường, 1 báo cáo đạt giải 3 HNKH tuổi trẻ Ngành Y tế),
  • 01 báo cáo tại hội nghị quốc tế
  • Đào tạo 4 thạc sĩ, 3 tiến sĩ.

Chi tiết 5 bài báo quốc tế đã được xuất bản từ nghiên cứu:

  1. School-based, two-arm, parallel, controlled trial of a culturally adapted resilience intervention to improve adolescent mental health in Vietnam: study protocol. BMJ Open 2020;10:e039343. doi:10.1136/ bmjopen-2020-039343
  2. Validation of the coping self-efficacy scale: Vietnamese version for adolescents. BMC Psychol 10, 59 (2022). https://doi.org/10.1186/s40359-022-00770-3
  3. (2022) Adaptation of a school-based mental health program for adolescents in Vietnam. PLoS ONE 17(8): e0271959. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0271959
  4. Validation of the Behavioral Anger Response Questionnaire for Children (BARQ-C) in a large community sample of Vietnamese middle adolescents in Hanoi. BMC Psychol 10, 199 (2022). https://doi.org/10.1186/s40359-022-00907-4
  5. Modelling in economic evaluation of mental health prevention: current status and quality of studies. BMC Health Serv Res 22, 906 (2022). https://doi.org/10.1186/s12913022-08206-9

 

Share