TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Hội thảo Y học thảm họa và Y tế công cộng tại châu Á: Kinh nghiệm của Việt Nam

            Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) và Tổ chức y tế và hợp tác quốc tế (Bộ Y tế Tây Ban Nha), sáng ngày 7/12/2009 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Y học thảm họa và Y tế công cộng tại châu Á: Kinh nghiệm của Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu hoạt động trong lĩnh vực y học thảm họa của các quốc gia Philippin, Đông Timor và Việt Nam – những nước chịu ảnh hưởng nhiều bởi thảm họa ở khu vực châu Á.

Hội thảo được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thảm họa của các quốc gia, nâng cao năng lực của cán bộ y tế, cán bộ cứu trợ khẩn cấp, cứu trợ nhân đạo đồng thời thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới hợp tác trong khu vực châu Á.

Tiến sĩ Hà Văn Như, Trưởng Bộ môn Phòng chống thảm họa (Trường Đại học Y tế công cộng) cho biết: “Hội thảo lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng và là diễn đàn để Việt Nam và các nước khu vực châu Á cùng nhau chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về phòng chống thảm họa, giảm nhẹ thiên tai; thảo luận về các giải pháp ứng phó kịp thời với thiên tai thảm họa. Đây sẽ là diễn đàn cho các hội thảo tiếp theo nhằm tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước châu Á trong lĩnh vực này”          

Phòng chống thảm họa và giảm nhẹ thiên tai không chỉ dừng lại trong phạm vi mỗi quốc gia mà đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Điều này đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và đầu tư nguồn lực, chính sách và sự cam kết của hệ thống chính trị cấp quốc gia triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó kịp thời. Tại hội thảo, các đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống thảm họa, trao đổi các giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan tới thiên tai, thảm họa phù hợp với mỗi quốc gia, cũng như sự hợp tác khu vực và toàn cầu. Theo các đại biểu, việc thiết lập hệ thống thông tin giúp phát hiện sớm các thiên tai, thảm họa và cảnh báo sớm sẽ giúp các quốc gia chủ động hơn trong việc giảm thiểu các thiên tai, thảm họa. Đồng thời xây dựng các Trung tâm ứng phó thảm họa tại mỗi địa phương sẽ phần nào hạn chế được mức thiệt hại của thiên tai.

TS. Trần Hữu Bích, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC phát biểu tại Hội thảo

 Theo Trung tâm nghiên cứu Dịch tễ học thảm họa (CRED) năm 2008 đã có 354 thảm họa tự nhiên. Số lượng thảm họa tự nhiên ghi nhận năm 2008 thấp hơn số thảm họa tự nhiên trung bình hàng năm được ghi nhận trong giai đoạn 2000-2007 (397 vụ). Tuy nhiên số người tử vong cao gấp 3 lần so với số tử vong trung bình hàng năm trong giai đoạn 2000-2007 (66.813 người). Thiệt hại kinh tế do thảm họa tự nhiên trogn năm 2008 cao gấp 2 lần thiệt hại kinh tế trung bình hàng năm trong giai đoạn 2000-2007 (83 tỷ USD). Việt Nam là một nước nằm trong vùng thường xuyên bị thiên tai, thảm họa. Người dân Việt Nam luôn là nạn nhân của thiên tai và là nhóm dễ bị tổn thương, thiệt hại do thiên tai gây ra tại Việt Nam ước tính bằng 1,5% GDP. Do tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam có thể sẽ gặp phải tần suất thiên tai nhiều hơn, thời gian dài hơn và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Khi tác động của biến đổi khí hậu xảy ra, Việt Nam sẽ phải huy động nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan đối tác song phương của Việt Nam để giảm thiểu tác hại của thiên tai cũng như việc phục hồi nền kinh tế sau khi thảm họa xảy ra. Để việc ứng phó với thiên tai, thảm họa có hiệu quả, ngoài việc kiện toàn sự hợp tác để nâng cao năng lực, cơ chế điều phối giữa các tổ chức quốc tế, Việt Nam cũng cần chủ động xây dựng mạng lưới an toàn cho người dân cũng như xây dựng bộ máy ứng phó với thiên tai thật sự hiệu quả ngay từ địa phương trước khi sự viện trợ từ bên ngoài được đưa đến.

Biên Thùy.

Share