TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Tăng thuế thuốc lá, giảm tỉ lệ người hút thuốc

Với mục tiêu cung cấp bằng chứng khoa học về ước tính tác động của tăng thuế thuốc lá và chia sẻ kinh nghiệm thành công về tăng thuế thuốc lá của một số nước trên thế giới, ngày 9/3/2010 Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Văn phòng Chương trình Phòng chống Tác hại Thuốc lá (VINACOSH), Tổ chức Vì Trẻ em Không thuốc lá (TFK) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo với tiêu đề “Giới thiệu kết quả Nghiên cứu Tổng quan về Thuế Thuốc lá tại Việt Nam". Báo cáo nghiên cứu này được hỗ trợ của Quỹ Bloomberg Initiative to Reduce Tobacco Use và nằm trong loạt nghiên cứu tổng quan về thuế thuốc lá được tiến hành ở 15 nước trên thế giới. Tham dự Hội thảo có đại biểu đến từ Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Công nghiệp và Thương mại; Tổng cục Thuế, Hội Y tế Công cộng Việt Nam, sáu Hội Y tế công cộng tuyến tỉnh đang triển khai dự án về phòng chống tác hại  thuốc lá, các chuyên gia nước ngoài và các tổ chức Phi chính phủ tại Việt Nam v.v.

Theo kết quả nghiên cứu tổng quan về thuế thuốc lá, hiện nay, giá thuốc lá, thuốc lào (gọi chung là thuốc lá) ở Việt Nam thấp hơn so với thế giới. Hiện tại ở Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá từ năm 2008 là 65% giá xuất xưởng và 10% thuế giá trị gia tăng, tương đương 45% giá bán lẻ. Giá trung bình của một bao thuốc lá 20 điếu khoảng 3.500 đồng (tương đương 0,22 đô la Mỹ) – gần như thấp nhất thế giới. Giá thuốc lá điếu tăng ít trong khi GDP và thu nhập của người dân tăng nhanh là một trong những nguyên nhân chính khiến số người hút thuốc gia tăng. Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu cho thấy, việc tăng thuế thuốc lá sao cho giá bán lẻ tăng thêm 10% sẽ giúp giảm 4% tiêu dùng thuốc lá tại các nước có thu nhập cao và giảm khoảng 8% tại các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nếu tăng thuế sao cho giá bán lẻ thuốc lá tăng 10% thì ước tính số người hút thuốc trên thế giới sẽ giảm khoảng 42 triệu người (38 triệu người ở những nước có thu nhập thấp và trung bình và 4 triệu người ở nước có thu nhập cao) và giúp tránh được 10 triệu ca tử vong sớm (9 triệu ca ở những nước có thu nhập thấp và trung bình và 1 triệu ca ở nước có thu nhập cao). Một mức tăng 70% trong giá bán thuốc sẽ ngăn chặn được tới 1/4 các ca tử vong do thuốc là gây ra trên toàn thế giới.


Phát biểu tại Hội thảo, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y Tế cho biết: “Theo kết quả thống kê mới nhất thì có 49,2% nam giới và 2% nữ giới hút thuốc lá, điều này tương đương với khoảng 20 triệu người hút thuốc mỗi năm. Trong khi đó kết quả báo cáo của hơn 1.000 bệnh viện gửi về Bộ Y tế cho thấy có đến 62% bệnh nhân không lây nhiễm (tim mạch, ung thư, huyết áp…). Mà nguyên nhân chủ yếu phát sinh các căn bệnh không lây nhiễm là do tác hại của thuốc lá". TS Lương Ngọc Khuê cho biết thêm: “ Một nghiên cứu vào năm 2003 cho thấy, mỗi năm tổng số tiền mua thuốc lá ở Việt Nam ước tính hơn 8.000 tỷ đồng, tương đương với 2,4 triệu tấn gạo, đủ nuôi được 15,6 triệu dân trong một năm. Ba năm sau, một nghiên cứu tương tự cho kết quả số tiền mua thuốc lá cả nước đã lên gần 14.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí cho 3 bệnh phổ biến nhất do thuốc lá gây ra (ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, phổi tắc nghẽn) cũng lên đến con số nghìn tỷ đồng".

Tiến sĩ Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh: "Giá các sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam vẫn chưa tăng kể từ năm 1995, trong khi thu nhập của người dân đã tăng hơn 80%. Trên thực tế, mức giá này đã giảm trung bình khoảng 5%. Vì thế, thuốc lá ngày càng trở nên rẻ hơn". Các chuyên gia cho rằng cách hiệu quả nhất để giảm việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam hiện nay là tăng giá thông qua tăng thuế. Tại các nước trên thế giới, tăng thuế là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giảm số lượng thuốc lá và số lượng người hút thuốc lá. Ở những nước có chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả, mặt hàng này bị đánh thuế từ 65% đến 80%. Trong khi đó, ở Việt Nam, mức thuế cao nhất là 45%.

Tại Việt Nam, ngày 21 tháng 8 năm 2009 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 1315/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam đã phê chuẩn tham gia. Theo đó việc xây dựng lộ trình tăng thuế và giá của các sản phẩm thuốc lá sẽ là một trong các biện pháp thực hiện Công ước Khung nhằm giảm số người hút thuốc và giảm những gánh nặng bệnh tật do hút thuốc gây ra trong những năm tới.

(Biên Thùy)

Share