TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc

Trong ba ngày từ 19 đến 21/4/2010, tại Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) diễn ra Hội nghị khởi động dự án nghiên cứu thực trạng quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ ở Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc (HESVIC). Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các đại biểu đến từ các viện/trường đại học của Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc…

Ba quốc gia được chọn nghiên cứu đều có gánh nặng lớn về những vấn đề sức khỏe bà mẹ và khác biệt về các yếu tố như bối cảnh chính trị, kinh tế, dịch tễ, dịch vụ y tế và vai trò của xã hội dân sự sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành chính sách y tế của từng quốc gia. Bên cạnh đó, 3 quốc gia này cũng là những nước có dân số đông, tỷ lệ tử vong mẹ tương đối cao. Những kết quả của nghiên cứu tại 3 nước nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ góp phần tạo ra nền tảng cơ bản để phát triển về quản lý y tế trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ ở các nước đang phát triển, vốn thiếu thốn về nhân lực và cơ sở lý thuyết.  

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “ Hiện nay, hệ thống y tế tại các nước thu nhập thấp và trung bình trong đó có Việt Nam đang dần thay đổi. Một trong các khía cạnh này là sự thay đổi mô hình quản lý của nhà nước về chăm sóc y tế: không chỉ tập trung vào hệ thống công mà đã bắt đầu chú trọng đến sự xuất hiện của y tế tư nhân. Những thay đổi này đã tạo ra những thách thức mới khi xây dựng những quy định chung về quản lý hệ thống y tế và áp dụng đối với những nhóm đối tượng cụ thể. Mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015 là giảm 3/4 tỷ lệ tử vong mẹ vào năm 2015, tăng tỷ lệ ca đẻ có người đỡ có kỹ năng, giảm 25% tỷ lệ HIV mới... Đó cũng là mục tiêu Dự án HESVIC lựa chọn sức khỏe bà mẹ để triển khai nghiên cứu tại 3 quốc gia Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ”. 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận để hoàn thiện khung lý thuyết và phương pháp nghiên cứu; thống nhất về chiến lược nâng cao kiến thức và nâng cao năng lực của các bên tham gia. Những kết quả của nghiên cứu tại 3 nước (Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ) sẽ góp phần tạo ra nền tảng cơ bản để phát triển về quản lý y tế trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ ở các nước đang phát triển.  Nó cũng sẽ là nguồn tham khảo và là cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý y tế, hỗ trợ các nhà quản lý trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe bà mẹ tại Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.

 (Biên Thùy)

Share