TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Tuổi trẻ trường Đại học Y tế Công cộng thắp lửa trái tim trên cao nguyên đá Hà Giang

Thực hiện Kế hoạch số 77 KH/TNHN ngày 01 tháng 4 năm 2010 của Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội về việc tổ chức “Chiến dịch mùa hè Thanh niên tình nguyện 2010”, với mục tiêu hướng tới các vùng biên cương hải đảo của Tổ quốc, được sự động viên của Đảng ủy, Ban Giám Hiệu Nhà trường và sự hỗ trợ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Đoàn thanh niên trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) đã tổ chức đợt tình nguyện tại xã Sà Phìn - Huyện Đồng Văn-  Tỉnh Hà Giang.

Ngày 8/8 đúng 5 giờ sáng đoàn thanh niên tình nguyện chúng tôi hoàn tất các công việc chuẩn bị cuối cùng để lên đường đến Hà Giang. Chặng đường hơn 300 km như gần lại bởi những giai điệu tuổi trẻ luôn vang lên trên chuyến xe đặc biệt ấy đã đưa chúng tôi vượt nhanh qua những con đường dài. Không mệt mỏi và đầy hào hứng, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đó là Hà Giang hùng vĩ, thanh bình và giàu lòng mến khách.

Sáng ngày 9/8 đoàn rời thị xã Hà Giang để tiếp tục hành trình lên huyện Đồng Văn với lời căn dặn chu đáo của các anh chị Tỉnh đoàn. Đường đi lên các huyện của Hà Giang thật đặc biệt bởi chưa hết khúc ngoặt này đã là điểm bắt đầu của khúc ngoặt khác, chúng tôi được biết những con đường này là một kỳ tích vì hàng nghìn thanh niên đã xây dựng nên nó trong một thời gian dài bằng cách sẻ ngang các vách núi treo leo mà tạo thành.

Càng đi chúng tôi càng hiểu rằng phía sau những dẫy núi và cao nguyên đá hùng vĩ là những khó khăn cơ cực của đồng bào. Ở mảnh đất chỉ có cỏ và dương xỉ len lỏi sống qua những vách đá, dưới điều kiện khắc nghiệt chỉ có cây ngô là sống được và là nguồn lương thực chính của người dân, rau xanh chủ yếu phải mua từ bên ngoài bằng những chuyến xe thồ xa lắc lư, nước mưa là nguồn nước chính dùng cho ăn uống và sinh hoạt quanh năm. Nhà dân là những ngôi nhà gỗ mộc mạc len lỏi, nhỏ nhoi trong những phần đất nhỏ hẹp giữa các khe núi mà có khi chỉ là bốn vách đất trộn rơm đắp lên nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi và cách xa nhau vài cây số. Xa xa bạn có thể nhìn thấy một vài đoạn ruộng bậc thang mà người dân may mắn cải tạo được để trồng lúa.

Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tư vấn dinh dưỡng cho bà con, trong đó có nội dung  hướng dẫn bà mẹ cách nấu bột cho trẻ tuổi ăn dặm (tô màu bát bột). Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ dụng cụ và lương thực thực phẩm đủ các nhóm dinh dưỡng để có thể tác nghiệp, nhưng khi đến đây, chúng tôi mới biết rằng bà con hầu như phải sử dụng bột ngô (mèn mén) thay thế bột gạo do vậy chúng tôi đã phải đi mua bột ngô để thay thế và cùng nhau kiếm rau và các thứ củ quả, đậu lạc sẵn có tại địa phương để có thể hướng dẫn cho bà con một cách thực tế nhất. Chúng tôi vừa mừng vừa ngỡ ngàng rằng khi các bà mẹ nếm bát bột từ chính thứ bột ngô và những món rau và những thực phẩm quen thuộc nói rằng rất ngon mà họ chưa bao giờ được ăn, còn những đứa trẻ thì ngồi ăn hết luôn cả một tô bột một cách ngon lành.

Có nhiều bà mẹ cho biết, khi nghe tin có đoàn tình nguyện và Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang đến tư vấn và khám bệnh, đã dậy từ sớm để bồng con đi từ năm giờ sáng để gần 10 giờ mới tới nơi. Chúng tôi thực sự xúc động vì điều đó và luôn tâm niệm mình sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ bà con nơi đây. Vì vậy, ngoài việc tận dụng chuyên ngành sâu của đoàn viên, chúng tôi đã phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang tổ chức khám bệnh, điều trị miễn phí cho người dân. Những đứa trẻ còn được các anh chị sinh viên dạy cho cách đánh răng, cách rửa tay trước khi ăn và giữ gìn vệ sinh. Buổi chiều muộn, các em nhỏ vẫn kéo đến trạm xá thành từng tốp, hàng chục em ùa đến múa hát và nhảy dân vũ với chúng tôi. Các em với những đôi mắt thơ ngây trong vắt và nụ cười thật xinh xắn cùng chúng tôi hát rất nhiều những bài hát thiếu nhi, chơi trò chơi và nhảy dân vũ, như chẳng còn khoảng cách về ngôn ngữ và ranh giới địa lý. Chúng tôi cảm thấy mình trở lại như những đứa trẻ vô tư hồn nhiên như ngày nào. Thấp thoáng lại thấy những đôi mắt rưng rưng, những nụ cuời khi thấy lũ trẻ hạnh phúc như vậy.

Chỉ trong 3 ngày làm việc liên tục, đoàn chúng tôi đã tư vấn được cho gần 400 bà mẹ và 200 em nhỏ với sự giúp đỡ tận tình của 10 phiên dịch là cán bộ đoàn địa phương. Và cũng chính trong thời gian này hơn 500 người dân đã được khám bệnh và điều trị miễn phí, 100 bệnh nhân cận kề mù lòa đã được phẫu thuật mắt bằng phương pháp Phaco ngay tại bệnh viện huyện. Từng chuyến xe xuôi ngược từ xã Sà Phìn lên huyện giúp chuyên chở ngững người bệnh được phát hiện cần chuyển tuyến điều trị hoặc phẫu thuật mắt, các y bác sỹ làm việc qua trưa vì có những người dân phải đi bộ từ sáng sớm nay mới đến được trạm. Ở đây, chúng tôi đã được chứng kiến hình ảnh Phó giám đốc của bệnh viện tỉnh, xuống công tác cùng đoàn tại xã đã dùng luôn xe bệnh viện chở 3 gia đình bệnh nhân nghèo phải chuyển tuyến lên điều trị tại bệnh viện tỉnh. Nhìn ánh mắt băn khoăn của chúng tôi anh nói, bà con ở đây chỉ có cái nghèo và lòng tin yêu với thầy thuốc thôi. Chúng tôi hiểu và cảm thấy mình thật hạnh phúc khi được tham gia vào cuộc hành trình này. Đến với chương trình này đồng bào còn được nhận muối Iot và bánh dinh dưỡng nhằm bổ sung một chút vào khẩu phần ăn của bé và của gia đình và bày tỏ sự yêu mến bằng cách bắt tay chúng tôi thật lâu và chụp ảnh với chúng tôi thật nhiều. Chúng tôi rất xúc động trước những tấm lòng chân thành và giản dị của những người dân vùng cao nơi đây.

Đêm giao lưu cuối cùng ở trường tiểu học Sà Phìn là một đêm đáng nhớ với tất cả chúng tôi, các cán bộ và đồng bào Sà Phìn. Chúng tôi và đồng bào mang lời ca tiếng hát đặc trưng vùng miền đầy ân tình gửi tặng nhau. Kết thúc là tiết mục dân vũ của chúng tôi và các em nhỏ, các em không chút lưỡng lự ùa lên sân khấu nhảy điệu nhạc mà chúng tôi mới dạy các bé buổi chiều qua. Đó là khoảnh khắc vô cùng xúc động mà chúng tôi sẽ chẳng bao giờ quên được.

Ngày 13/8 đoàn đã phải chia tay đồng bào dân bản để lên đường về Hà Nội. Chuyến xe lại tiếp tục lăn bánh, nhưng lần này đưa chúng tôi về với hiện tại. Để lại Hà Giang khuất dần sau khung kính, để lại những lời nhắn nhủ, hứa hẹn sẽ quay trở lại vào một ngày không xa. Đoàn xe lại nghẹn ngào cất vang tiếng hát “Ai về thăm quê hương tôi nơi biên cương ...là đây. Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một mầu. Đây Hà Giang đây Hà Giang quê chúng tôi…”. Tuy đây chỉ là đợt tình nguyện ngắn ngủi của Tuổi trẻ ĐHYTCC góp một chút công sức nhỏ bé vào cuộc hành trình chung của tuổi trẻ cả nước nhưng đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi người chúng tôi như một trải nghiệm thật đặc biệt.

(Mỹ Hạnh)

Share