TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

TĂNG CƯỜNG THỰC THI QUY ĐỊNH CẤM QUẢNG CÁO, KHUYẾN MẠI VÀ TÀI TRỢ THUỐC LÁ TẠI VIỆT NAM

Ngày 15/12/2011, tại Hà Nội, Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) phối hợp với Hội Y tế công cộng Việt Nam, tổ chức Health Bridge tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường thực thị quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ thanh tra văn hoá, thanh tra thị trường, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông 10 tỉnh, thành phố; các đại biểu của 10 tỉnh hội Y tế công cộng tham gia điều tra tình hình quảng cáo, khuyến mại và tài trợ (QKT) thuốc lá, các đại biểu từ các tổ chức trong nhóm phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam. Mục đích của Hội thảo nhằm tổng kết các kết quả đã đạt được của dự án tại 10 tỉnh/thành phố và định hướng việc tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan trong lĩnh vực thực thi các quy định hiện hành về cấm QKT thuốc lá.

Các nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng các hoạt động QKT thuốc lá làm gia tăng mức tiêu thụ và sử dụng thuốc lá, đặc biệt là lôi kéo thanh niên quen với việc hút thuốc lá. Nhận thức được mức độ nguy hại đó, từ năm tháng 12/2009 - 4/2011, Trường ĐHYTCC, với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức Tobacco Free Kids và hỗ trợ kỹ thuật của WHO, Hội Y tế Công cộng Việt Nam, Vinacosh-Bộ Y tế, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, HealthBridge và CDS đã tiến hành nghiên cứu: ‘‘Điều tra tình hình thực hiện qui định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá ở Việt Nam’’ trên 1.500 điểm bán thuốc lá tại 10 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Lào Cai, Yên Bái, Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Đồng Tháp.

Nghiên cứu cho thấy, các hoạt động khuyến mại thuốc lá phổ biến tại điểm bán thuốc lá gói nhỏ ít hơn 20 điếu (chiếm 18,8%), mua nhiều giảm giá (5,2%)… Bên cạnh đó, các hình thức quảng các từ giản đơn đến trá hình như: in logo của các hãng thuốc lá lên bật lửa, hoặc có hẳn một đội ngũ tiếp viên xinh đẹp mang thuốc mời chào tận bàn nhậu, vỉa hè; phát miễn phí các loại thuốc lá dùng thử; sử dụng tủ trưng bày gắn tên nhãn hiệu, logo của sản phẩm thuốc lá…


 

Ngoài ra, các công ty thuốc lá thường xuyên đa dạng hoá các hình thức tiếp thị sản phẩm, như quảng cáo thuốc lá trên mạng internet, khuyến mại khi mua sản phẩm thuốc lá; sử dụng các từ ngữ gây hiểu lầm về tác hại của thuốc lá như “nhẹ” (light), “êm” (mild), “ít nicotine” (low-tar)…Tuy nhiên, theo quy định sản xuất các loại thuốc lá nhẹ, êm, ít nicotine… là có hàm lượng nicotine thấp, giúp người tiêu dùng giảm dần sự phụ thuộc vào thuốc lá nên cần được cho phép sản xuất. Nhưng thực tế cho thấy các loại thuốc lá có nhãn mác “nhẹ” (light), “êm” (mild), “ít nicotine” (low-tar), đã được chứng minh là thông tin gây hiểu lầm về tác hại thuốc lá, đánh lừa người tiêu dùng. Những người hút loại thuốc này thường có xu hướng hút nhiều hơn và hít sâu hơn để đảm bảo đủ lượng nicotine, thoả mãn nhu cầu thường ngày.

Theo nghiên cứu của các nước trên thế giới cho thấy, quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá làm tăng mức tiêu thụ sản phẩm này. Tại Việt Nam, quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá hầu như không được thực thi triệt để. Theo kết quả điều tra của Trường ĐHYTCC tại 1.500 điểm bán trên 10 tỉnh/thành phố năm 2010 cho thấy, 35,8% điểm bán vi phạm đồng thời cả quy định cấm quảng cáo và khuyến mại; 90 % điểm bán vi phạm ít nhất một quy định cấm quảng cáo hoặc khuyến mại. Do vậy, để làm giảm tiêu thụ lượng người mua và hút thuốc thì cần cấm hoàn toàn trưng bày các sản phẩm thuốc lá để hạn chế tác động đến hành vi của người tiêu dùng.

 

Một điểm bán hàng có bảng biển có logo của Vinataba 

 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các hoạt động tài trợ của công ty thuốc lá như xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ lũ lụt, hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá và cấp học bổng cho học sinh nghèo vẫn được đăng tải rộng rãi trên các trang tin điện tử của nhiều tổ chức. Bên cạnh đó, việc tăng chế tài xử phạt vi phạm trong hoạt động quảng cáo của Nghị định 75/2010/NĐ-CP chưa thật sự phát huy tác dụng vì vi phạm chủ yếu tại điểm bán là trưng bày quá một bao/ một tút của một nhãn hiệu thuốc lá. Các hoạt động khuyến mại về giá, mẫu bao thuốc nhỏ hơn 20 điếu, nhắm vào người hút mới như thanh niên, trẻ em có chiều hướng tăng.

            Nghiên cứu ‘‘Điều tra tình hình thực hiện qui định cấm quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá ở Việt Nam’’ của Trường ĐHYTCC nằm trong một số ít các dự án đánh giá về hoạt động tiếp thị của công ty thuốc lá tại Việt Nam, những hoạt động đã bị cấm nhưng hàng ngày vẫn diễn ra tại các cửa hàng trên các con phố  cung cấp sản phẩm độc hại cho cộng đồng. Các kết quả của nghiên cứu là bằng chứng giúp các nhà hoạch định chính sách có thêm thông tin để đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về cấm QKT thuốc lá tại Việt Nam và “cảnh tỉnh” các cơ quan chức năng về những hạn chế trong quá trình thực thi quy định cấm. 

(Biên Thùy)

Share