KỶ NIỆM 68 NĂM TRUYỀN THỐNG
15 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG


 Hà Nội, 26/04/2015

Tài liệu tham khảo cho cuộc thi

I. LỊCH SỬ TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG TRONG 68 NĂM QUA

Trước yêu cầu to lớn và cấp bách của hậu phương cũng như của tiền tuyến về cán bộ chuyên môn y tế, một trường đại học với thời gian đào tạo là 6 năm không thể đáp ứng được, vì thế Chủ tịch nước đã ban hành Sắc lệnh số 234-SL ngày 20 tháng 8 năm 1948 mở Trường Y sỹ Việt Nam Liên khu 3-4.

Trường Y sỹ Việt Nam Liên khu 3-4 được xây dựng ở Sở Kiện (xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) bên cạnh có bệnh viện thực hành B có mô hình của một trung tâm Viện-Trường, có đủ các khoa nội, ngoại, sản, nhi và một số khoa như răng, mắt, tai mũi họng. Cũng như tất cả các cơ quan khác trong kháng chiến, cơ sở của trường và bệnh viện thực hành được xây cất một phần nhỏ, còn phần lớn dựa vào nhân dân, đình chùa, hang động. Học sinh, thầy giáo và gia đình đều ở nhờ nhà dân.

Hiệu trưởng đầu tiên của trường là bác sỹ Nguyễn Viêm Hải, ông làm việc một thời gian ngắn rồi trở về với gia đình ở Hà Nội. Bác sỹ Hoàng Đình Cầu xử lý thường vụ rồi sau đó được bổ nhiệm chính thức làm Hiệu trưởng từ năm 1950. Giảng viên chính ngoài bác sỹ Hoàng Đình Cầu còn có bác sỹ Đặng Vũ Hỷ, bác sỹ Trịnh Văn Thất và y sỹ Trịnh Đình Cung, sau đó có thêm bác sỹ Trần Hữu Tước, bác sỹ Nguyễn Xuân Nguyên. Trường còn mời thêm một số cán bộ làm việc ở các cơ quan gần đó đến giảng dạy tại trường như bác sỹ Hoàng Tích Mịch-Giám đốc Viện vi trùng học Liên khu 3, dược sỹ Lê Đăng Đệ-Giám đốc Viện Bào chế Trung ương, bác sỹ Tôn Thất Hoạt, dược sỹ Hoàng Xuân Hà, ông Đinh Nho Liêm (giảng môn Chính trị).  

Tháng 1/1950 trường bị máy bay ném bom bắn phá ác liệt gây thiệt hại nặng nề về tài sản và nhân mạng, 28 cán bộ, nhân viên hi sinh, một số bị thương, bác sỹ Hoàng Đình Cầu- Hiệu trưởng cũng bị sức ép bom. Sau biến cố đó, nhân dân, chính quyền địa phương và Bộ Y tế đã tận tình giúp đỡ ổn định nơi ăn chốn ở và tìm địa điểm khác để di chuyển trường, tiếp tục dạy và học.

Sau khi Trường Y sỹ Việt Nam ở Sở Kiện (Kiện Khê) bị đánh phá, giữa năm 1950 trường được lệnh rời vào Thanh Hóa. Địa điểm mới của trường đóng ở Cổ Định (Chợ Nưa) thuộc huyện Nông Cống. Bệnh viện thực hành, giảng đường chủ yếu dựa vào đình, chùa, chỉ xây dựng một số cơ sở cần thiết xen kẽ với nhà dân. Thầy trò vẫn ở trong nhà dân. Cuộc sống của học sinh phải hết sức cơ động, mỗi người được phát một bộ bàn ghế nhỏ làm bàn ghi chép bài giảng. Tất cả được xếp gọn và mang luôn trên vai khi đến lớp cũng như khi về nhà.

Năm 1952, Trường Dược sỹ trung cấp được thành lập. Trường đóng ở Cầu Quan thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, cách trường Y sỹ khoảng 10km. Dược sỹ Đặng Vũ Xích – Nguyên là Phó Giám đốc Viện Bào chế Trung ương được giao nhiệm vụ xây dựng trường và được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên với sự cộng tác của dược sỹ Lê Đăng Đệ - Nguyên Giám đốc Viện Bào chế Trung ương, dược sỹ Trần Văn Uyển nguyên là Giám đốc Viện Bào chế Trung bộ, dược sỹ Trần Lâm Huyến trước công tác trong quân y và dược sỹ Trương Xuân Nam. Chỉ có 5 người với phương tiện hết sức nghèo nàn nhưng trong một thời gian ngắn, với sự giúp đỡ của Bộ Y tế, các cơ quan trong ngành, chính quyền với một ít hóa chất, thuốc thử, dụng cụ thủy tinh, vài cái cân chính xác, kính hiển vi… làm cơ sở giảng dạy và học tập cho học sinh.

Sau khi tốt nghiệp được 2 khóa I và II Trường Dược sỹ trung cấp ở Thanh Hóa được sát nhập với Trường Quân dược sỹ của quân đội và Trường Y sỹ Việt Nam thành Trường Cán bộ Y tế (theo Nghị định số 238/BYT-TC ngày 7/3/1956 của Bộ Y tế).

Từ năm 1956 Trường Cán bộ Y tế Trung ương đào tạo tiếp từ y sỹ khóa 7 và dược sỹ trung cấp khóa 3, thời gian học 3 năm.

Theo Quyết định số 596/BYT-QĐ, ngày 19 tháng 6 năm 1962 của Bộ Y tế Trường Cán bộ Y tế Trung ương được đổi tên thành Trường Bổ túc Cán bộ Y tế Trung ương.

Sau thống nhất đất nước, trước yêu cầu cấp bách về đội ngũ cán bộ quản lý y tế, Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định số 189/TTg ngày 01 tháng 10 năm 1976 thành lập Trường Cán bộ quản lý Y tế, trên cơ sở Trường Bổ túc cán bộ Y tế Trung ương. Trường Cán bộ quản lý Y tế được hưởng chế độ như các trường đại học Y, Dược. Trường có nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý các Sở, Phòng Y tế, các Trường kỹ thuật và nghiệp vụ thuộc ngành Y tế và các loại cán bộ có trình độ tương đương.

Ngày 26/4/2001, trên cơ sở Trường Cán bộ quản lý y tế thuộc Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Trường Đại học Y tế công cộng (YTCC) theo Quyết định số: 65/2001/QĐ-TTg, với nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế trình độ đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

II. THÀNH TÍCH KHEN THƯỞNG ĐẠT ĐƯỢC TRONG 68 NĂM QUA

Trải qua 68 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành (từ Trường Y sỹ Việt Nam cho đến Trường Đại học YTCC) nhà trường đã đào tạo và cung cấp cho đất nước hàng ngàn cán bộ là y sỹ, dược sỹ trung cấp; bác sỹ, dược sỹ đại học; bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa cấp I,II; thạc sỹ, tiến sỹ y tế công cộng…Đội ngũ cán bộ do Trường đào tạo đã có mặt ở khắp mọi chiến trường, mọi miền của đất nước, ở tất cả các Bộ, ngành và có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong xây dựng và phát triển ngành y tế, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ rất vẻ vang và hào hùng của nhân tộc. Do có những đóng góp to lớn Trường đã được Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

- Năm 1963 Trường Bổ túc cán bộ y tế Trung ương (tiền thân của Trường Cán bộ quản lý y tế) được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng 3.

- Bác sỹ Trần Hữu Nghiệp nguyên Hiệu trưởng Trường Bổ túc cán bộ y tế Trung ương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân.

- Giáo sư Hoàng Đình Cầu nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Hiệu trưởng Trường Y sỹ Việt Nam, Hiệu trưởng danh dự Trường Cán bộ quản lý y tế được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân.

- Trong tổng kết kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ viên chức Trường Cán bộ quản lý y tế (tiền thân của Trường Đại học YTCC) đã được tặng thưởng 95 huân chương kháng chiến, trong đó có:

+ 23 huân chương kháng chiến hạng nhất

+ 24 huân chương kháng chiến hạng nhì

+ 27 huân chương kháng chiến hạng ba

- Năm 1996 Trường Cán bộ quản lý y tế được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng nhì.

- Năm 2007 được Bộ Y tế tặng cờ thi đua luân lưu

- Bằng khen của Bộ Y tế giai đoạn 2007-2008

- Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học 2008-2009

- Cờ thi đua của Bộ Y tế năm 2009

- Cờ luân lưu của Chính phủ năm 2010

- 7 phòng, ban, bộ môn được Bộ Y tế tặng bằng khen.

- Ngày 29/3/2011 Trường được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng nhất.

- Năm 2013 Trường được Bộ Y tế tặng cờ thi đua luân lưu

- Có 5 cán bộ viên chức của Trường được tặng thưởng huân chương lao động hạng ba

- Có 7 cán bộ viên chức của Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen

- Có hàng chục cán bộ viên chức của Trường được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen

- Có 7 cán bộ viên chức là chiến sỹ thi đua cấp Bộ

III. CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO CỦA NHÀ TRƯỜNG HIỆN NAY

Trường Đại học Y tế công cộng là trường đầu tiên và hiện đang là duy nhất của Việt Nam. Sau 15 năm phát triển, hiện nay Trường đang đào tạo 6 mã ngành: Cử nhân Y tế công cộng, Cử nhân Xét nghiệm Y học Dự phòng, Thạc sĩ Y tế công cộng, Thạc sĩ Quản lý Bệnh viện, Tiến sĩ Y tế công cộng, Chuyên khoa cấp I Y tế công cộng và Chuyên khoa cấp II Tổ chức quản lý y tế.

Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao đào tạo nhân lực cán bộ y tế cho ba vùng đặc biệt là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Tham khảo thêm các tài liệu trên website Trường: http://www.huph.edu.vn/

File attachments: 
Share