TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

 HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

CẢM NHẬN VÀ TRI ÂN CÁC ANH HÙNG LIỆT SỸ NHÂN NGÀY 27/7

Phát huy tinh thần  xung kích, sẵn sàng của tuổi trẻ và được sự động viên, ủng hộ của Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Y tế Công cộng đã tổ chức các hoạt động tình nguyện hè năm 2011 tại Huyện Phúc Thọ - Hà Nội với các hoạt động chính là Tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/ - 27/7/2011).

 Nơi chúng tôi đến đó là xã Trạch Mỹ Lộc là một trong những xã có truyền thống cách mạng hào hùng, là quê hương của gần 1000 liệt sỹ, anh hùng. Đây là nơi sinh ra những nhà cách mạng lỗi lạc, những anh hùng như Khuất Duy Tiến, Cao Thị Nấm...Chiến tranh đã đi qua, nhưng những nỗi đau và bài học do chiến tranh để lại vẫn còn đó. Một mảnh đất đã bao bọc cách mạng, hy sinh nhiều cho chiến tranh như thế thì cần nhiều hơn những sự quan tâm, chia sẻ. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn Trạch Mỹ Lộc với mục tiêu tổ chức các hoạt động tri ân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7.

 Dâng hương tại nghĩa trang Liệt sỹ

Sau 3 ngày chuẩn bị, tập huấn tại trường, ngày 24/7 Đoàn chúng tôi lên đường đến Trạch Mỹ Lộc. Đúng 9h sáng, xe chuyển bánh rời trường. Cả Đoàn di chuyển trong khí thế sôi nổi, hào hứng. Chúng tôi có mặt ở Trạch Mỹ Lộc lúc 10h15. Được sắp xếp ở  tại trường Tiểu học cả xã, chúng tôi đã dành thời gian để sắp xếp lại bàn ghế, chỗ ăn ở, sinh hoạt cho cả Đoàn. Mọi thứ như mới hôm qua, tất cả đang chờ đón chúng tôi phía trước.

Công việc chính ngày 25/7 của chúng tôi là tu sửa, dọn dẹp, làm sạch nghĩa trang liệt sỹ của xã. Ngay khi biết nhiệm vụ này, tôi đã nghĩ rằng “Công việc chỉ thế thôi sao?”. Nhưng ý nghĩ ấy đã bị đè bẹp lập tức trong tôi khi đến nghĩa trang Liệt sỹ. Nghĩa trang thực sự rộng hơn rất nhiều so với sức tưởng tưởng của tôi, có gần đến 300 ngôi mộ với 2 ao cá và cây cối xung quanh. Công việc chính của chúng tôi là cắt cỏ xung quanh các ngôi mộ và tỉa lại các cây trong khu nghĩa trang. Không hề đơn giản! Chúng tôi chỉ có trong tay 7 cái liềm, 3 cái chổi, 3 con dao và một cái xẻng. Trong khi cỏ xung quanh các phần mộ đều cao ngang bằng ngôi mộ. Phân công như thế nào cho hợp lý và công việc được nhanh nhất. Nhờ sự chỉ đạo của đồng chí Trưởng đoàn và sự hợp tác với các cán bộ Đoàn cơ sở, chúng tôi đã chia thành từng tốp nhỏ, mỗi tốp lại đảm nhận một công việc khác nhau và tiến hành công việc một cách thuận lợi. Các tình nguyện viên đều đến từ nhiều miền quê khác nhau, người thì đã từng làm công việc đồng áng, có người chưa bao giờ biết đến cái liềm, cái cuốc. Thực sự việc cầm liềm cắt cỏ rất khó khăn, hơn nữa theo như các cán bộ địa phương thì loại cỏ này cũng rất dai, khó cắt. Và cũng như muốn thử lòng người, trời hôm ấy đổ nắng rất to, nắng gắt, khô khốc, không một chút gió. Chúng tôi, người cầm liềm, người cầm xẻng, người biết chỉ cho người chưa biết, thay nhau làm việc, vừa làm việc vừa động viên nhau. Điều kiện làm việc thì khó khăn, không có kinh nghiệm... Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, hai má đỏ hây hây vì trời nắng quá.  Đến khoảng 10h sáng mà chúng tôi mới hoàn thành được 1/3 công việc trên nghĩa trang . Thế mà chúng tôi vẫn hoàn thành được nhiệm vụ ngày hôm đấy. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn băn khoăn không biết tại sao chúng tôi lại có thể vượt qua được khoảnh khắc ấy. Là nhờ sự nhiệt tình của mọi người, sự động viên chia sẻ lần nhau, hay trách nhiệm trong mỗi chúng tôi. Tôi nghĩ là tất cả và thêm một thứ nữa đó là lòng chân thành với công việc. Đúng thế, chúng tôi hiểu được ý nghĩa của công việc mà chúng tôi đang làm, điều đó khiến ai cũng cố gắng hơn rất nhiều. Khi đứng trước mộ của những lớp người đi trước, chúng tôi ai cũng tò mò, rồi đọc kỹ những thông tin ghi trên bia mộ. Chúng tôi lặng người khi được biết những người ở đây hầu hết đều dã ngã xuống khi họ mới ngoài 20, trạc tuổi chúng tôi bây giờ. Hơn 20 tuổi, họ đã cầm súng chiến đấu và ngã xuống vì đất nước. Thanh niên những thế hệ đi trước, các anh, các chị, các cô các chú đã ngã xuống khi trong mình vẫn cháy rực lửa sống, muốn cống hiến cho đời, khi trong mình vẫn còn bao nhiêu mơ ước, hoài bão, bao nhiêu niềm thương yêu, trách nhiệm với gia đình, xã hội. Còn chúng tôi, hơn 20 tuổi, chúng tôi đã làm được gì cho đời? Chưa làm được gì cả, chúng tôi vẫn đang là sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, dùng tiền của bố mẹ và chưa đóng góp được gì cho đời, cho đất nước. Vì sự tri ân sâu sắc và lửa của tuổi trẻ đang rực cháy trong tim, chúng tôi đã vượt qua khó khăn và không ngừng tiếp tục cố gắng.

 

                             Tặng quà cho gia đình thương bình, liệt sĩ      

Ngày 26/7 cũng là một ngày đầy ý nghĩa với chúng tôi. Cả ngày hôm đó, chúng tôi tiến hành trang hoàng, sửa sang lại khu nhà truyền thống của xã. Nhà truyền thống của xã là một khu nhà với kiến trúc cổ, có vườn tược. Nơi đây lưu trữ những di vật lịch sử, những hình ảnh lịch sử của xã. Khu nhà giống như một bảo tàng lịch sử nhỏ về Trạch Mỹ Lộc. Qua buổi làm việc tại đây, chúng tôi có cơ hội biết nhiều hơn về lịch sử, về những năm tháng hào hùng của dân tộc nói chung và vùng đất này nói riêng.

 

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Liệt sỹ huyện Phúc Thọ

 

Ngày 27/7, buổi sáng chúng tôi dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ xã Trạch Mỹ Lộc, buổi tối chúng tôi tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân cho các anh hùng, liệt sỹ tại nghĩa trang Liệt sỹ huyện Phúc Thọ. Cảm giác thật lạ lùng khi chúng tôi cầm trên tay những nén hương, những bông hoa và cả những điếu thuốc đến đặt lên từng ngôi mộ, dưới ánh sáng của nến, vừa lung linh, vừa cảm động. Có nhiều thân nhân liệt sỹ cũng đến thắp hương hôm ấy. Chúng tôi để ý thấy có những ngôi mộ có rất nhiều hoa quả, hương khói, nhưng cũng có những phần mộ chỉ lác đác vài nén hương, đó là những ngôi mộ của các liệt sỹ vô danh, không ai biết tên tuổi, người nhà. Vậy nên, chúng tôi thắp từng ngọn nến, nén nhang mong được làm ấm hơn phần mộ của các anh nhiều hơn

Nằm trong các hoạt động chính đợt này, chúng tôi đã đại diện cho tuổi trẻ Nhà trường gửi tặng các gia đình liệt sỹ, gia đình thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã những món quà thể hiện sự biết ơn sâu sắc của tuổi trẻ Nhà trường đối với những người đã quên mình vì tổ quốc. Đến thăm các gia đình, chúng tôi cũng còn được nghe những câu chuyện đầy xúc động từ chiến tranh. Câu chuyện làm tôi nhớ mãi đó là chuyện về một cô gái thanh niên xung phong xinh đẹp, đảm đang, đương ở tuổi thanh xuân. Khi có một chương trình tình nguyện lấy chồng – chính là các thương binh từ chiến tranh trở về, cô gái ấy đã đồng ý ngay và cưới một thương binh bị mất một tay, 2 chân, sức khỏe yếu và quan trọng là cô gái ấy chưa hề biết mặt. Ngày cưới về, cô đã thực bàng hoàng “sợ xanh mặt” khi nhìn thấy người chồng như thế. Nhưng tình thương đã giúp cô ở bên chồng, chăm sóc chồng 8 năm ròng trên giường bệnh, đã có những lúc cô giấu chồng khóc ướt đẫm đêm dài. 8 năm cho những tuyệt vọng, đau thương, mệt mỏi. Sau 8 năm, họ có người con trai đầu tiên. Khi chúng tôi đến nhà vợ chồng ấy, bác thương binh đã phải nhập viên hơn 1 tuần do sức khỏe yếu, chỉ còn bác gái, là cô gái năm nào, trò chuyện cùng chúng tôi, chúng tôi nghe bác kể chuyện, vừa cảm thấy xót xa, vừa cảm thấy khâm phục. Bác cho biết giờ gia đình bác rất hạnh phúc, yêu thương nhau, con cái thành đạt “ông trời không phụ lòng người các cháu ạ, sau bao nhiêu khó khăn như thế, giờ bác cũng thực sự được đền đáp...”. Những câu chuyện mà chúng tôi được nghe là một bài học cho chúng tôi về lịch sử, về sự hy sinh, sự cố gắng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh các hoạt động Tri ân các anh hùng liệt sỹ nhân dịp 27/7, chúng tôi cũng đã tổ chức các buổi giao lưu với Đoàn xã, Huyện Đoàn Phúc Thọ, Đoàn viên của Trung tâm Y tế huyện… và tổ chức sinh hoạt hè cho hơn 50 thiếu nhi tại Chùa Phúc Nghiêm…

Chuyến đi đã kết thúc, mỗi người trở về đều mang trong mình một suy nghĩ riêng. Nhưng có những điểm chung trong những suy nghĩ ấy. Đấy la những bài học lịch sử, về sự hy sinh, vượt khó khăn của lớp người đi trước. Những bài học ấy nhắc nhở chúng tôi đến tinh thần trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, đất nước, đến sự cố gắng của mỗi người trước mỗi khó khăn. Sức trẻ trong chúng tôi ở đây, chúng tôi phải cố gắng hơn nữa, sống và làm việc hết mình, để giữ gìn, kế thừa và phát triển những công trình mà cha ông để lại. “...đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay...”

( Hải Lê – K8B)