TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y TẾ CÔNG CỘNG

 HANOI UNIVERSITY OF PUBLIC HEALTH

Hội thảo Kỷ niệm ngày quốc tế Nhà vệ sinh và giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về VSMT tại Việt Nam

Sáng ngày 19/11/2011, tại Hà Nội, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) và Hội Y tế công cộng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Kỷ niệm ngày quốc tế nhà vệ sinh và giới thiệu một số kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường tại Việt Nam”. Tới tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, Đại sứ quán một số nước, các tổ chức quốc tế và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và Hà Nội. Hội thảo hưởng ứng Ngày Nhà vệ sinh thế giới năm 2011 được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vệ sinh môi trường nói chung trong đó có việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh thông qua các cơ quan thông tấn báo chí. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là nơi để trao đổi, chia sẻ, thảo luận các nghiên cứu về sức khỏe với vệ sinh môi trường, kinh tế với vệ sinh môi trường, xã hội với vệ sinh môi trường. Đồng thời, chia sẻ các ấn phẩm khoa học liên quan đến sức khỏe và vệ sinh môi trường tại Việt Nam.

           

TS.Trần Hữu Bích, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC phát biểu khai mạc tại Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, Cục Trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, đã kêu gọi tất cả các ngành, các cấp chính quyền, các Trường Đại học, các Viện, các cơ quan đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức quốc tế hãy cùng chung tay với ngành Y tế tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về vệ sinh môi trường nói chung và lợi ích của việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh nói riêng để góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh và xây dựng xã hội văn minh. Phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 70% hộ gia đình và 100% trường học, trạm y tế xã có nhà tiêu hợp vệ sinh, 80% người dân được tiếp cận với các thông tin tuyên truyền, 40% gia đình thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.

 


PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục Trưởng Cục Quản lý môi trường y tế phát biểu tại Hội thảo

 


Các báo cáo tham luận tại hội thảo đã xoay quanh vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội về vệ sinh môi trường nói chung, trong đó có việc xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà  tiêu hợp vệ sinh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; hiện trạng và thách thức của vệ sinh môi trường ở nước ta; thảo luận các nghiên cứu về sức khỏe với vệ sinh môi trường, kinh tế với vệ sinh môi trường, xã hội với vệ sinh môi trường và chia sẻ các ấn phẩm khoa học liên quan đến sức khỏe và vệ sinh môi trường tại Việt Nam. Báo cáo của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2005-2010 cho thấy, ở nước ta mới có 55% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu đạt tiêu chuẩn vệ sinh của Bộ Y tế, tính theo vùng sinh thái như sau: Đồng bằng Sông Hồng 65%; Miền núi phía Bắc 56%; Bắc Trung Bộ 34%; Duyên hải miền Trung 54%; Tây Nguyên 47%; Miền Đông Nam Bộ 69%; Đồng bằng Sông Cửu Long 53%. Bên cạnh đó theo điều tra vệ sinh môi trường năm 2006 của Bộ Y tế chỉ có 15.6% người lớn và 11.5% học sinh rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, khu vực người dân tộc thiểu số dưới 6%.

Ô nhiễm môi trường do phân người đã và đang được các quốc gia và cộng đồng thế giới quan tâm. Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm gây bệnh cho con người là lây truyền theo đường tiêu hóa hay cụ thể hơn là theo đường “phân-miệng”. Các bệnh thường  gặp liên quan đến cấp nước và vệ sinh môi trường như bệnh tả, đau mắt hột, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm gan A… Mỗi năm, bệnh tiêu chảy và viêm phổi là thủ phạm dẫn đến cái chết của hơn 3,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Bệnh tiêu chảy là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ốm đau tại Việt Nam, làm cho khoảng 250.000 người phải nhập viện mỗi năm.Theo ước tính mới đây, có tới 44% trẻ em Việt Nam bị nhiễm giun tóc, giun móc và giun đũa. Đó cũng là một phần lý do tại sao Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em cao nhất ở Đông Á, với tỷ lệ khoảng 30% . Trong thời gian qua, Việt Nam đang gặp phải những thách thức rất lớn trong việc khống chế các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp, tả, lỵ trực khuẩn… và đặc biệt trong thời điểm này là bệnh tay chân miệng đang bùng phát và rất khó kiểm soát. Để hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ mắc các bệnh, dịch liên quan đến phân, nước, từng bước cải thiện và nâng cao sức khoẻ cộng đồng cần tập trung đẩy mạnh các hành vi vệ sinh cá nhân và đặc biệt là quản lý tốt các nguồn phân người thông qua việc xây dựng và sử dụng các nhà tiêu hợp vệ sinh cũng như sử dụng phân người đúng cách trong nông nghiệp. Có những bằng chứng khoa học cho thấy có thể giảm đến 10% số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và đến 16% số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi với điều kiện tất cả các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

 

(Biên Thùy)